Mưa đá, dông lốc dồn dập trút xuống các bản làng nghèo miền tây Nghệ An, khiến nhiều mái nhà không còn nguyên vẹn.
Gần 12h trưa 16-4, đại úy Phạm Thành Khánh – cán bộ đội điều tra Công an huyện Kỳ Sơn, Nghệ An – chạy lại nói với đồng đội: “Cơm chín rồi, anh em tạm nghỉ tay ăn cơm đã”.
Cái nắng đầu hè oi ả khiến những bộ quân phục của các chiến sĩ Công an huyện Kỳ Sơn đang giúp người dân khắc phục hậu quả các đợt mưa đá, dông lốc ướt sũng.
Rửa vội chân tay, mặt mũi, các chiến sĩ trẻ đang bám bản ở xã Bảo Thắng ngồi vào mâm cơm đơn sơ chỉ có hai món là cá biển xốt cà chua và thịt rang.
Kết thúc bữa cơm dưới nếp nhà sàn, các chiến sĩ tạm nghỉ ngơi giờ trưa để tiếp tục làm thợ mộc, thợ lợp và thợ xây sửa nhà giúp bà con.
Nhiều nhà người dân cheo leo khu vực núi, địa bàn dốc, các chiến sĩ công an phải bốc vác từng mái ngói lên để lợp lại nhà.
“Công việc cả nhóm bắt đầu từ sáng sớm, có lúc làm xuyên trưa, phải leo trèo trên mái nhà hay khuôn vác gạch ngói. Song nhìn các căn nhà, góc bếp của bà con được sửa lại, chúng tôi không còn thấy mệt mỏi”, đại úy Khánh chia sẻ.
Ba ngày qua, nhóm của đại úy Khánh thường trực ở các bản làng cùng các lực lượng đoàn thanh niên, dân quân tự vệ địa phương hỗ trợ người dân từng mái nhà do mưa đá, lốc xoáy.
Ông Moong Văn Lợi – chủ tịch UBND xã Bảo Thắng – cho biết trận mưa đá kèm dông lốc mạnh vào chiều 14-4 đã khiến hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã bị ảnh hưởng, phần lớn bị thủng mái hoặc bay mái ngói, trong đó có 1 ngôi nhà ở bản Sao Va bị sập hoàn toàn.
“Nhờ có các chiến sĩ công an, bộ đội về tận các bản giúp đỡ, nhà cửa đã được sửa chữa lại. Bà con không còn lo mưa nắng”, ông Lợi bày tỏ.
Ông Nguyễn Viết Hùng – chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn – cho biết từ ngày 13 đến 15-4, ở huyện Kỳ Sơn xảy ra mưa đá, tố lốc, gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, cột điện, ảnh hưởng ba điểm trường.
Hơn 660 ngôi nhà ở của người dân ở các xã Bảo Thắng, Huồi Tụ, Bảo Nam, Chiêu Lưu, Nậm Cắn, Mường Lống, Mường Típ… bị hư hỏng.
Trong đó 5 nhà dân tại xã Bảo Thắng và Chiêu Lưu sập hoàn toàn, 81 nhà bị thiệt hại nặng (30% – 50%).
“Ngay sau khi xảy ra thiên tai, UBND huyện đã chỉ đạo, thành lập hai đoàn công tác về các xã, bản thăm hỏi, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Các địa phương bị ảnh hưởng cũng huy động các lực lượng công an, quân sự, đoàn thanh niên và người dân hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại dọn dẹp, dựng lại nhà”, ông Hùng nói.
Ngoài huyện Kỳ Sơn, tại huyện Anh Sơn, cơn dông lốc, mưa đá xảy ra chiều 14-4 cũng khiến 27 nhà bị hư hỏng, hàng trăm héc ta lúa, hoa màu bị gãy đổ; ước tính thiệt hại hơn 70 tỉ đồng.
Hiện các lực lượng ở Anh Sơn đang huy động các nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, bước đầu ổn định đời sống cho nhân dân, nhất là hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
- 20 năm tình nguyện tại nước bạn Lào
- Thầy giáo đi hiến máu trong đêm, cứu người nguy kịch
- Quán bún riêu không thu tiền, nhờ khách chuyển khoản ủng hộ đồng bào bão lũ
- Đặt phao chắn rác trên 100 tuyến kênh, rạch tại TP.HCM
- TẬP HUẤN NÂNG CAO NĂNG LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ: HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TÍCH HỢP TÀI KHOẢN VNeID VÀ DỊCH VỤ CÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG